Hoạt chất: Sultamicillin dạng viên nén bao phim chứa muối tosylate tương đương 375mg sultamicillin là tiền chất chung của sulbactam và ampicillin tạo ra lượng tương đương với 147mg sulbactam và 220mg ampicillin.
Tá dược: Lactose khan, bột ngô khô, bột natri glycolate, hydroxypropyl cellulose, magnesium stearate, polyethylene glycol 6000, hydroxypropylmethyl cellulose, titanium dioxide, talc.
Chỉ định sử dụng sultamicillin trong những trường hợp nhiễm vi khuẩn nhạy với thuốc. Chỉ định điển hình là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gồm viêm xoang, viêm tai giữa và viêm nắp thanh quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gồm viêm phổi do vi khuẩn và bronchitis; nhiễm khuẩn đường tiểu và viêm đài bể thận, nhiễm khuẩn da, mô mềm và nhiễm lậu cầu. Sultamicillin có thể được chỉ định ở bệnh nhân cần điều trị sulbactam/ampicillin sau khi điều trị ban đầu bằng sulbactam/ampicillin tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch.
Người lớn:
Liều đề nghị đối với sultamicillin ở người lớn (gồm cả bệnh nhân cao tuổi) là 375 - 750mg, uống hai lần mỗi ngày, ở cả người lớn và trẻ em, điều trị thường tiếp tục đến 48 giờ sau khi sốt và các dấu hiệu bất thường khác biến mất. Thông thường điều trị trong 5 - 14 ngày nhưng có thể kéo dài nếu cần thiết.
Trong điều trị bệnh lậu chưa biến chứng, có thể dùng sultamicillin một liều uống 2.25g (sáu viên 375mg). Dùng đồng thời với probenecid 1g để duy trì nồng độ cao của sulbactam và ampicillin trong huyết thanh.
Các trường hợp bệnh lậu có tổn thương nghi ngờ giang mai nên được kiểm tra bằng kính hiển vi nền đen trước khi dùng sultamicillin và làm các xét nghiệm huyết thanh hàng tháng trong ít nhất 4 tháng.
Nên điều trị ít nhất 10 ngày đối với bất kỳ nhiễm khuẩn nào do liên cầu tan máu để phòng ngừa thấp tim hoặc viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu.
Sử dụng ở trẻ em và trẻ nhỏ:
Liều dùng của sultamicillin đối với hầu hết các nhiễm khuẩn ở trẻ em cân nặng dưới 30kg là 25 - 50mg/kg/ngày, uống, chia làm 2 lần, tùy thuộc mức độ nặng của nhiễm khuẩn và cân nhắc của thầy thuốc. Trẻ nặng từ 30kg trở lên có thể dùng liều thông thường của người lớn.
Bệnh nhân suy thận:
Bệnh nhân bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinine ≤ 30ml/phút), động học của sự thải trừ của sulbactam và ampicillin cùng bị ảnh hưởng như nhau. Do đó, tỷ lệ nồng độ của hai thuốc trong huyết tương không thay đổi. Nên giảm số lần tiêm sultamicillin ở những bệnh nhân này, giống như khi sử dụng ampicillin.
Thuốc chống chỉ định ở những người có tiền sử dị ứng với mọi kháng sinh penicillin.
Phản ứng quá mẫn (phản vệ) trầm trọng, đôi khi gây tử vong, đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị với penicillin gồm cả sultamicillin. Các phản ứng này thường xảy ra ở người có tiền sử dị ứng với pencicillin và/hoặc quá mẫn cảm với nhiều dị nguyên. Đã có những báo cáo về những người có tiền sử dị ứng với penicillin có thể bị phản ứng nghiêm trọng khi dùng cephalosporin. Trước khi dùng pencicillin phải hỏi kỹ tiền sử dị ứng trước đó, đặc biệt là dị ứng với penicillin, cephalosporin, và với các dị nguyên khác, khi điều trị nếu có phản ứng dị ứng, phải ngưng thuốc ngay và có biện pháp điều trị thích hợp.
Nếu gặp phản ứng phản vệ nặng, cần cấp cứu ngay với adrenalin.
Có thể cần cho thở oxy, tiêm tĩnh mạch steroide, làm thông đường thở kể cả việc đặt nội khí quản.
Như với mọi kháng sinh khác, cần theo dõi liên tục các dấu hiệu của tình trạng tăng sinh của các vi sinh vật không nhạy với thuốc, kể cả nấm. Nếu có dấu hiệu bội nhiễm phải ngưng thuốc ngay và/hoặc có biện pháp điều trị thích hợp.
Tiêu chảy do Clostridium difficile (Clostridium difficile associated diarrhea - CDAD) đã được báo cáo khi sử dụng đối với hầu hết các chất kháng khuẩn, bao gồm sultamicillin, và độ nghiêm trọng có thể từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột kết dẫn đến tử vong. Điều trị bằng các chất kháng khuẩn sẽ làm thay đổi quần thể vi sinh tự nhiên của ruột dẫn tới sự phát triển quá mức của C.difficile.
Clostridium difficile sinh ra độc tố A và B góp phần làm phát triển CDAC. Các chủng C.difficile sinh nhiều độc tố là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, vì các nhiễm khuẩn này có thể khó chữa khi dùng các liệu pháp kháng sinh và có thể cần phải cắt bỏ ruột kết. Cần phải nghĩ đến bệnh CDAD ở tất cả các bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy sau khi dùng các chất kháng khuẩn. Cần ghi bệnh án cẩn thận vì đã có báo cáo CDAD xảy ra sau điều trị bằng kháng sinh tới hơn 2 tháng.
Vì tăng bạch cầu đơn nhân là do nguồn gốc virus, không nên dùng ampicillin.
Nên kiểm tra định kỳ xem có suy giảm chức năng các hệ cơ quan khi điều trị kéo dài, trong đó gồm chức năng thận, gan và hệ tạo máu.
Đường đào thải chính của sulbactam và ampicillin sau khi uống là qua nước tiểu. Do chức năng thận chưa được phát triển đầy đủ ở trẻ sơ sinh nên khi sử dụng sultamicillin ở trẻ sơ sinh cần xem xét đến điều này.
Sultamicillin nói chung dung nạp tốt. Phần lớn các tác dụng phụ quan sát được nhẹ hoặc trung bình và thường dung nạp với điều trị tiếp.
Toàn thân: phản ứng dị ứng, sốc phản vệ và phản ứng dạng phản vệ.
Thần kinh trung ương và ngoại biên: chóng mặt.
Tiêu hoá: Tác dụng phụ hay gặp nhất là ỉa chảy/phân lỏng. Buồn nôn, nôn, khó chịu vùng thượng vị, ỉa phân đen và đau bụng/co thắt cũng đã gặp. Như các kháng sinh thuộc lớp ampicillin, viêm tiểu - đại tràng và viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra nhưng hiếm.
Hô hấp: khó thở.
Da/các cấu trúc của da: nổi mẩn và ngứa ít khi gặp, đi cùng với phù mạch, viêm da và mề đay.
Các tác dụng phụ khác: ngủ gà/lơ mơ, mệt mỏi/khó chịu và đau đầu hiếm gặp.
Các phản ứng có hại liên quan với sử dụng ampicillin đơn thuần có thể thấy với sultamicillin.
Các phản ứng có hại liên quan với sử dụng ampicillin và/hoặc sulbactam/ampicillin tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch gồm:
Thần kinh trung ương và ngoại biên: hiếm báo cáo về co giật.
Tiêu hoá: chứng lưỡi tóc đen, viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng.
Hệ tạo máu và bạch huyết: thiếu máu, thiếu máu huyết tán, giảm tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa a-xít, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, bất thường tập kết tiểu cầu.
Gan/mật: tăng các transaminase như ALT (SGPT) và AST (SGOT) thoáng qua, tăng bilirubin huyết, bất thường chức năng gan và vàng da ứ mật.
Da/các cấu trúc của da: hiếm báo cáo về viêm da tróc vảy, tiêu hoại tử biểu bì nhiễm độc, ban đỏ đa hình và hội chứng Stevens-Johnson.
Tiết niệu: hiếm báo cáo về viêm thận kẽ.
Allopurinol: Dùng allopurinol chung với ampicillin có thể gây tăng tỉ lệ phát ban ở bệnh nhân dùng cả 2 thuốc so với nhóm bệnh nhân chỉ dùng ampicillin.
Thuốc chống đông: Penicillin tiêm có thể gây thay đổi kết dính tiểu cầu, thay đổi các test đông máu. Những tác dụng này có thể làm tăng tác dụng chống đông.
Thuốc kìm khuẩn (chloramphenicol, erythromycin, các sulfonamid và tetracyclin): Thuốc kìm khuẩn có thể tác động lên khả năng diệt khuẩn của penicillin, tốt nhất là nên tránh dùng chung.
Uống thuốc ngừa thai chứa estrogen: Đã có những báo cáo về sự giảm hiệu quả ngừa thai ở phụ nữ dùng ampicillin gây vỡ kế hoạch. Dù sự liên quan ít nhưng nên cho phụ nữ dùng ampicillin sử dụng thêm các phương tiện tránh thai khác kèm hay thay thế.
Methotrexate: Dùng chung với ampicillin gây ra giảm thanh thải và tăng độc tính của methotrexat. Nên theo dõi bệnh nhân cẩn thận.
Leucovorin: Liều leucovorin có thể phải tăng lên và kéo dài thời gian sử dụng.
Probenecid: Probenecid làm giảm đào thải ampicillin và sulbactam qua ống thận khi dùng chung; tác dụng này gây tăng và kéo dài nồng độ kháng sinh trong huyết thanh, kéo dài thời gian bán thải và tăng nguy cơ nhiễm độc.
Tương Tác trong labo: Glucose niệu dương tính giả có thể xảy ra khi phân tích nước tiểu bằng thuốc thử Benedict, Fehling và Clinitest. Sau khi cho phụ nữ có thai dùng ampicillin, nhận thấy có giảm nhất thời nồng độ estriol liên hợp, estriol glucuronid, estrone và estradiol liên hợp. Tác dụng này có thể xảy ra với sulbactam natri/ampicillin natri tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch.
Có ít thông tin về ngộ độc cấp ampicillin natri tiêm tĩnh mạch và sulbactam natri ở người. Quá liều thuốc có thể có những biểu hiện chủ yếu như những tác dụng ngoại ý đã báo cáo. Nên xem xét vì nồng độ cao betalactam trong dịch não tuỷ có thể gây các tác hại trên thần kinh, gồm cả động kinh. Vì ampicillin và sulbactam có thể được thẩm phân qua máu, phương pháp này có thể giúp tăng thải thuốc ra khỏi cơ thể nếu quá liều xảy ra ở bệnh nhân suy thận.
Chưa được biết.
Sử dụng khi có thai:
Nghiên cứu về sự sinh sản trên động vật thí nghiệm không cho thấy sulbactam và ampicillin có ảnh hưởng trên khả năng sinh sản và tác hại cho thai. Sulbactam qua được nhau thai. Tính an toàn trong thời kỳ mang thai và cho con bú chưa được xác định.
Sử dụng khi cho con bú:
Nên thận trọng khi dùng sultamicillin cho phụ nữ đang cho con bú. Nồng độ ampicillin và sulbactam bài tiết trong sữa thấp. Điều này nên cân nhắc do trẻ sơ sinh có thể bị tiếp xúc thuốc, đặc biệt khi chức năng thận chưa được phát triển đầy đủ ở trẻ sơ sinh.
Bảo quản ở nơi khô và mát.
2 vỉ/hộp, mỗi vỉ 4 viên nén bao phim.
24 tháng kể từ ngày sản xuất.